Review

‘Dahmer’: Bi kịch kẻ sát nhân hàng loạt vùng Milwaukee

Loạt phim gồm 10 tập của Netflix dựa trên câu chuyện về Jeffrey Dahmer – kẻ sát nhân hàng loạt với những tội danh hiếp dâm, giết người và chặt xác 17 nam giới từ năm 1978 đến 1991. Các vụ án liên quan tới ái tử thi – hội chứng mê mải bởi xác chết, ăn thịt người và lưu giữ bộ phận cơ thể. Jeffrey đã bị kết án 16 án tù chung thân vào năm 1992. Năm 1994, Jeffrey bị bạn tù tại Trại cải tạo Columbia – Christopher Scarver – sát hại.

‘Dahmer’ kể về cuộc đời của Jeffrey Dahmer (Evan Peters) từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Bộ phim sử dụng lối kể chuyện phi tuyến tính, xen kẽ các mốc thời gian trong quá khứ từ sự kiện cuộc đời Jeff, câu chuyện của nạn nhân và gia đình.

Từ khi còn nhỏ, Jeff đã yêu thích giải phẫu động vật. Jeff và cha – Lionel (Richard Jenkins) – đã thực hiện nhiều cuộc giải phẫu các con vật chết. Trong giai đoạn dậy thì, Jeff nhận ra bản thân là người đồng tính. Anh trải qua tuổi thơ và thời niên thiếu bất hạnh vì thiếu tình yêu thương từ gia đình và bị bạn bè xa lánh.

Mẹ của Jeff – Joyce (Penelope Ann Miller) – mắc bệnh tâm lý và ít khi quan tâm tới Jeff. Lionel thường xuyên đi làm xa. Jeff chứng kiến cha mẹ luôn cãi nhau và gây ồn ào. Vào năm Jeff 17 tuổi, cha mẹ anh ly hôn, quyền nuôi con thuộc về Joyce. Tuy vậy, bà đã để lại Jeff và chuyển đi sống cùng em trai anh.

Ba tuần sau lễ tốt nghiệp, Jeff đã gây ra vụ án mạng đầu tiên. Sau khi xuất ngũ, Jeff chuyển tới sống với bà nội (Michael Learned). Từ năm 1987 đến 1989, Jeff giết ba người tại nhà bà và một người tại khách sạn. Năm 1990, Jeff chuyển tới căn hộ 213, khu chung cư Oxford 924. Trong hơn một năm, Jeff đã sát hại 12 nam giới tại căn hộ riêng.

Nhà làm phim đã lựa chọn diễn viên, bối cảnh và lời thoại mang nhiều nét tương đồng với con người, chi tiết thực tế. Từ Jeffrey cho đến các nhân vật khác đều được xây dựng dựa trên những người thực sự. Ngoài ra, căn hộ của Jeff trong phim cũng được tái hiện một cách chân thực qua vật dụng và bài trí tương tự với hình ảnh hiện trường vụ án.

Những yếu tố trên đã thúc đẩy sự phát triển của các cảm xúc trong khán giả: từ lo lắng, hoảng sợ đến đau đớn và căm thù. Màu sắc tối, mạch phim chậm cùng với âm nhạc đã tạo ra bầu không khí đầy nặng nề và căng thẳng. Khán giả có cảm giác như đang tham gia vào cuộc đời của kẻ ác nhân thay vì chỉ đơn thuần xem một bộ phim. Những cảm xúc và sự tuyệt vọng của nạn nhân và người thân cũng được hiển thị một cách thẳng thắn.

Màn trình diễn của Evan Peters đã trở thành điểm sáng trong toàn bộ tác phẩm. Theo nhiều người xem, nam diễn viên xứng đáng nhận giải thưởng điện ảnh cho vai diễn trong ‘Dahmer’. Trong một cuộc phỏng vấn với Netflix, Evan cho biết việc đảm nhận vai diễn Jeffrey Dahmer đã là một thử thách vô cùng khó khăn. Evan đã phải khám phá và sống cùng những phần tối tăm nhất trong tâm hồn mình trong một khoảng thời gian dài để mang lại sự chân thực.

Mỗi khi Jeff xuất hiện, những góc quay cận cảnh đã được sử dụng một cách sáng tạo. Evan đã thể hiện rất rõ chân dung của kẻ sát nhân biến thái thông qua mỗi cái nhìn, giọng điệu, động tác và biểu cảm. Không có nụ cười hay giọng điệu kì cục, Jeff mang đậm vẻ điềm tĩnh và bình thản đầy đáng sợ. Vẻ đẹp ngây thơ và hiền lành từ quá khứ dần dần phai nhạt và tan biến qua từng giai đoạn của cuộc đời. Cuối cùng, sự tàn ác và tâm huyết là những thứ duy nhất còn tồn tại trong đôi mắt của anh.

‘Dahmer’ truyền đạt nhiều thông điệp và gợi mở nhiều suy ngẫm về tình yêu và nhân tính. Bộ phim không chỉ tập trung vào cuộc hành trình của Jeff mà còn tả lại cuộc sống và nỗi đau của những nạn nhân và người thân. Từ đó, tác phẩm mở ra một góc nhìn và phê phán về thực tế xã hội Mỹ: Vấn nạn phân biệt chủng tộc, sự tôn trọng giá trị thấp của người da màu. Sự thất bại của hệ thống pháp luật trong việc ngăn chặn tội ác của Jeff chỉ vì án phạm được gắn với người da màu, không được nghe và bị bỏ qua.

Trong vụ án của Konerak Sinthasomphone, cậu bé 14 tuổi (Kieran Tamondong), hàng xóm của Jeff đã thấy Konerak thoát ra khỏi căn hộ của anh trong tình trạng hoảng loạn và máu chảy. Người hàng xóm đã báo cáo với hai viên cảnh sát. Thế nhưng, thay vì điều tra Jeff, họ đã giải quyết tình huống qua loa, để Jeff đưa cậu bé gốc người Lào này trở lại căn hộ và giết anh ta. Hoặc trong trường hợp của Ronald Flowers, chàng trai da màu (Dyllón Burnside), người sống sót sau một vụ tấn công của Jeff, khi Ronald báo cáo với cảnh sát về việc anh suýt bị giết, họ không tin và không thèm quan tâm.

Hơn nữa, tác phẩm mở ra nhiều thắc mắc về cách giáo dục và môi trường sống có thể ảnh hưởng đến tâm lý của một người. Những sai lệch trong tư duy và cảm xúc của Jeff phần nào có thể bắt nguồn từ nỗi lo sợ bị bỏ rơi. Liệu trong thời kỳ mang thai, việc mẹ của Jeff sử dụng nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến não bộ của anh không? Tuổi thơ bất hạnh có phải là một trong những yếu tố dẫn đến tư duy lệch lạc của Jeff? Nếu Jeff được sinh ra và lớn lên trong một môi trường lành mạnh và gia đình ấm áp, liệu anh sẽ trở thành người như thế nào?

‘Dahmer’ nhận được nhiều sự quan tâm và phản hồi từ công chúng. Trên các diễn đàn, đa số khán giả đánh giá tích cực tác phẩm và dành những lời khen ngợi cho màn trình diễn của Evan Peters. Mặc dù vậy, một số người xem cảm thấy tác phẩm quá tối tăm khi nó khơi gợi nỗi đau của gia đình nạn nhân.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button